Trong niên khóa mới, tại các trường đại học của nước Nga sẽ có 330 bạn trẻ từ Việt Nam sang học tập theo tài trợ từ kinh phí ngân sách Nga. Bình luận về con số này, ông Konstantin Chinkov đại diện Bộ Giáo dục và Khoa học Nga nêu ý kiến như sau: “Sau Trung Quốc thì Việt Nam là nước ngoài thứ hai nhận được nhiều chỉ tiêu học bổng như vậy. Đầu tiên là Trung Quốc, sau đó đến Việt Nam và thứ ba là Mông Cổ”.
Người Việt Nam theo học chủ yếu trong ngành kỹ thuật, cũng như trong các chuyên môn khoa học tự nhiên và y khoa. Trong số các chuyên ngành xã hội- nhân văn thì nổi bật là Ngữ văn Nga. Địa bàn có các sinh viên Việt Nam học tập bao gồm Matxcơva và Saint-Peterburg, các thành phố miền Nam Nga, các trường vùng Siberia và Viễn Đông.
Ông Chinkov nói tiếp: “Có chương trình đào tạo dự bị dành cho những người chưa nắm vững tiếng Nga. Phải nói luôn là hiện đang tồn tại quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số lãnh đạo đại học cho rằng các sinh viên nước ngoài khi đến Nga học cần sẵn có kiến thức tiếng Nga đủ vững để tiếp thu chuyên môn”.
Tuy nhiên trên thực tế đảm bảo được yêu cầu này là việc rất khó khăn. Ở đây không chỉ nói về trình độ hiểu biết tiếng Nga. Ông Konstantin Chinkov dẫn ra chuyện một nữ nghiên cứu sinh là công dân Việt Nam, việc đầu tiên khi vừa nhập học ở trường không phải là lên lớp nghe giảng, mà là tới nhà hộ sinh, và chị này chỉ có thể bắt đầu sự học vào năm sau.
Mặc dù vậy, nhìn chung đại đa số sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đều học tập đạt kết quả tốt.
Chuyên viên Chinkov nhận xét: “Về người Việt Nam tại các trường đại học Nga thì có rất nhiều phản hồi tích cực. Không chỉ một lần các bạn trẻ từ Việt Nam đã được trao suất học bổng cá nhân rất sáng giá do Chính phủ Nga đặt ra để khuyến khích sinh viên tài năng”.
Nhưng đó là học bổng đặc biệt dành cho cá nhân xuất sắc nhất. Còn học bổng có tính đại trà thông thường dành cấp cho các sinh viên nước ngoài trong đó có người Việt Nam thì phải nói là còn ở mức thấp, cần được cải thiện. Cũng bởi vậy mà tuy được nhận học bổng nhưng số sinh viên này thường phải dựa vào trợ cấp thêm của người thân trong nước, hoặc buộc phải tìm cách vừa học vừa làm để tự kiếm thêm tiền trong thời gian đèn sách ở Nga.
Đại diện Bộ Giáo dục và Khoa học Nga giải thích: “Vấn đề là ở chỗ, tại Nga tạo lập một môi trường thống nhất bình đẳng dành cho mọi sinh viên, người Nga cũng như người nước ngoài. Học bổng cấp cho họ cũng như nhau. Đáng tiếc là hiện nay mức học bổng còn rất thấp, mỗi tháng cả thảy chỉ có 1.100 rúp (xấp xỉ 40 dollar). Bộ chúng tôi đang tìm cách tăng học bổng”.
Như vậy, sau ngày 1 tháng Chín năm nay, 330 tân sinh viên từ Việt Nam sẽ nhập học tại các trường đại học Nga theo học bổng từ kinh phí Nhà nước Nga. Có 100 suất dự kiến dành đào tạo chuyên viên trong các ngành liên quan tới dầu-khí, lĩnh vực mà hai nước chúng ta đang hợp tác rất mật thiết và hiệu quả.
Mặc dù số lượng suất học miễn phí tại các trường Nga dành cho Việt Nam chiếm vị trí thứ hai, thế nhưng so với nhu cầu của đất nước Việt Nam đang phát triển năng động thì chừng đó vẫn là không đủ. Kế hoạch hiệp lực giữa hai quốc gia đòi hỏi các đối tác kinh doanh lớn nhất cũng phải góp tay tham gia vào qui trình đào tạo chuyên viên. Trên con đường này đã hiện diện hãng Nga ROSATOM, đảm trách công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Trong năm học tới, tại Trung tâm Obninsk gần Matxcơva, số lượng học viên người Việt được đào tạo dành riêng về điện hạt nhân sẽ tăng đến 100 người. Đó là số bổ sung cùng với 330 sinh viên Việt Nam học tại Nga theo kênh của Bộ Giáo dục và Khoa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét