Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Dự thảo quản lý du học sinh: Còn nhiều bất cập

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế quản lý du học sinh, tôi cho rằng dự thảo này có một số điểm “bất khả thi”.

 

Ra nước ngoài du học đã trở thành một lựa chọn phổ biển của nhiều bạn trẻ (ảnh minh họa)

Thứ nhất, điều này hoàn toàn bất khả thi, bởi Bộ không có một công cụ quản lý nào có tính chất ràng buộc hay nắm giữ được đối với các du học sinh tự túc. Tiền học, nơi ăn, chốn ở do gia đình học sinh tự trả, đào tạo do nước ngoài thực hiện, việc làm sau tốt nghiệp học sinh cũng tự lo, như vậy trong cả cái dây chuyền đó, vai trò của cơ quan chức năng ở đâu? Giúp đỡ được gì nhiều, lo toan được gì cho các em? Có khả năng rất nhiều du học sinh sẽ không đáp ứng quy định nói trên của Bộ.

Tại sao lại buộc du học sinh sau khi tốt nghiệp chỉ được làm việc 3 năm ở nước ngoài rồi phải về nước? Nếu áp dụng cho diện du học tự túc thì quả là câu chuyện “khó nghĩ”. Tự trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam xa quê, mấy triệu Việt kiều hàng năm gửi về cho thân nhân cỡ 5 – 7 tỷ USD, mang về nước công nghệ, khoa học kỹ thuật mới, thông qua đó cũng giúp tăng thêm nguồn vốn cho nền kinh tế, nâng cao đòi sống và sự văn minh xã hội, họ đâu có bị ai bắt buộc? Hay đây là câu chuyện chống chảy máu chất xám quốc nội?

Trên các diễn đàn, hội nghị kể cả diễn đàn chính thống cấp cao như Quốc hội, trên công luận và dư luận xã hội đã bao lần nhắc đến sự lãng phí, việc sử dụng không đúng chất xám trong nước đó sao? Vẫn còn đó chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài của các địa phương, vẫn còn đó chính sách tuyển dụng thủ khoa các đại học, nhưng vẫn còn đó những kêu than của công chức trẻ, giảng viên trẻ, bác sỹ trẻ… trước mông lung con đường sự nghiệp.

Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực đẩy mạnh xuất lao động, lĩnh vực này bị các nước trong khu vực cạnh tranh khốc liệt, thì dự thảo trên vô hình chung đi ngược chiều với nỗ lực này.

Thẩm định bằng thật, giả?

Dư luận đang râm ran về kết quả thanh tra 20 đại học top đầu trong nước mà nhiều khả năng những chỉ số nói ra sẽ làm nản lòng người. Và trong khi nạn bằng rởm, nạn mua bán bằng cấp còn diễn ra khá nhiều ở trong nước thì Bộ lại muốn ôm thêm chức năng thẩm định bằng của các du học sinh đang học rải rác trên toàn cầu.

Cứ cho rằng Bộ quyết chí thẩm định và có đủ sức làm việc đó, thì công tác thẩm định này có thực sự cần thiết hay không? Hiện nay người ta chỉ quan tâm đến năng lực thực sự, đến kỹ năng giải quyết vấn đề cụ thể của từng cá nhân, cho nên chỉ vài tháng là biết ngay người đó là năng lực thật hay giả, chứ đâu cần để ý đến cái giấy làm bằng đó?

Tôi mong, Bộ GD&ĐT có những đối sách sát với yêu cầu thực tế cuộc sống hơn, sớm góp phần chấn hưng nền giáo dục quốc nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét