Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Du học pháp – con hãy học thay phần mẹ

Mẹ tôi đã đi qua hơn nửa cuộc đời mà chưa một lần sống sung sướng hạnh phúc, ở cái tuổi 56 có lẽ nhiều người đã về hưu nghỉ dưỡng, hưởng thụ cuộc sống tuổi già thì mẹ tôi suốt ngày lam lũ trên những cánh đồng khô cằn, đêm trằn trọc trên chiếc giường ọp ẹp. cuộc đời mẹ là một quyển nhật ký buồn và nhiều trang phải rơi nước mắt.

Mẹ là con đầu trong một gia đình có 8 người con, chính vì vậy cánh cổng trường vẫn thật xa vời, ước mơ đến trường thật là một điều xa xỉ với mẹ. Việc đi học phải dừng lại ở lớp 2 để đi làm kiếm tiền nuôi các em và phụ giúp ông bà ngoại.

Tuổi thơ của mẹ là chuỗi ngày cơ cực vất vả cho đến khi 18 tuổi mẹ lấy chồng thì những trang tiếp theo cũng chẳng có gì là tươi đẹp. Bố tôi là một người thích đánh bạc, rượu chè và tất nhiên là mẹ lần nữa trở thành trụ cột của gia đình. Của hồi môn của mẹ chẳng có gì, bố mẹ phải tự lập từ đôi bàn tay trắng.

Tôi thường so sánh mình với mẹ và tôi thấy một khoảng cách xa vời không bao giờ bắt kịp được. Có rất nhiều người thần tượng ca sĩ này, người mẫu nọ nhưng với tôi, thần tượng của tôi không ở đâu xa vời mà luôn luôn ở bên cạnh tôi, đó là mẹ.

Tôi thường lém lỉnh ngồi trò chuyện cùng mẹ: “Nếu con bằng tuổi mẹ ngày xưa thì con sẽ không bao giờ làm được những việc như mẹ đâu”. Mẹ tôi cười xoa xoa đầu tôi bảo rằng hoàn cảnh tạo ra con người con ạ. Nếu con gái mẹ ở hoàn cảnh đó có lẽ còn hơn mẹ nữa ấy chứ, và tôi biết tôi sẽ không rơi vào hoàn cảnh đó vì mẹ luôn lo cho tôi đủ đầy.

Tuổi xuân của mẹ trôi qua lặng lẽ cho những lo toan tất bật của gia đình. Làn da trắng của mẹ đã bị thay thế bởi nước da rắn chắc đen đốm, những nếp nhăn khắc khổ hằn trên đôi mắt, khóe miệng trên nước da chai sạm phải tiếp xúc hằng ngày với thời tiết miền Trung khắc nghiệt. Và tôi hiểu rõ nguyên nhân của sự thay đổi đó.

Khi nghe chương trình Nét bút tri ân và bài của cô giáo Việt Hà kể về mẹ mình thì tôi nghĩ đến mẹ mình và viết lên như một sự tri ân về mẹ. Dù từ đó tới giờ tôi chưa lần nào viết ra hoặc cũng có khi lời văn của tôi không hay nên có thể sẽ không diễn đạt tất cả những gì về mẹ mình.

Màn đêm đen kịt như hoài niệm về một thời quá khứ đã xa, đăm đắm nhìn về phía chân trời xa xăm, tôi lật lại và nhớ những trang đầu của quyển nhật ký về mẹ. 5 tuổi, cái tuổi quá nhỏ để tôi hiểu hết về những gì đang diễn ra xung quanh, nhưng tôi cảm nhận được sự vất vả, tình thương…về mẹ.

Anh đầu tôi đua đòi, ăn chơi lêu lổng và kết quả cuối cùng là bỏ học, rồi anh đi bộ đội 3 năm. Anh nhì phải bỏ dở dang việc học để đi biển đánh cá với ba, dù mẹ tôi đã cố gắng để anh tiếp tục đi học nhưng do hoàn cảnh bà đành bất lực. Mẹ tôi luôn muốn các con học hành đầy đủ, bà không muốn các con nghỉ học giống mình. Hằng đêm nằm bên mẹ tôi nghe rõ tiếng thở dài, những giọt nước mắt nóng hổi âm thầm rơi trên hai gò má của mẹ.

Việc các anh nghỉ học đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của mẹ, mẹ quyết tâm không cho đứa nào nghỉ nữa, dù thế nào thì ba chị em tôi phải học cho chính chúng tôi và học cho mẹ nữa.

Mẹ tôi luôn truyền sức mạnh cho chị em tôi, bà muốn chúng tôi thực hiện ước mơ đi học còn dang dở của mẹ. Sáng sớm chị em tôi thường chạy theo mẹ ra bờ biển chờ kéo thúng vào bờ với bố. Mẹ thường chỉ tay lên dãy núi Cù Lao Chàm và nói: nơi ấy bây giờ chỉ phủ một màn đêm đen kịt nhưng chính từ nơi ấy lúc bình minh lên Mặt trời sẽ ló ra và tỏa những tia nắng hồng rực rỡ, và tôi học những bài học rất hay như thế từ mẹ.

Ngày chị tôi đậu vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đôi vai mẹ phải gánh thêm những khối lượng nặng hơn, lưng mẹ thêm còng và mái tóc đã thêm những sợi trắng, mẹ đã chắt chiu những đồng tiền không biết từ bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để chị tôi vào giảng đường.

Rồi chị thứ hai vào cao đẳng, giờ đang là sinh viên năm cuối Trường đại học Kinh tế Sài Gòn. Đã bao lần tôi thấy mẹ khóc và cúi đầu im lặng khi đi mượn tiền gửi cho các chị, có những lúc tôi cố tình nghe lén thử họ nói gì với mẹ, thì ra là những lời khinh rẻ dèm pha: ”Đừng cho bà ấy mượn đến khi nào bà ấy mới trả nợ được?”, “Con gái mà chị cho học gì nhiều, cho nó nghỉ học giúp đỡ gia đình đến lúc nó lấy chồng là hết nhờ đấy”...

Và mẹ đã nói với tôi rằng: ”Ở đời chắc chắn còn có nhiều người đói khổ hơn mình, gia đình mình vẫn còn sướng chán con ạ”, mẹ luôn an ủi tôi để tôi khỏi đòi nghỉ học đi làm nuôi các chị.

Có lẽ chính những hủ tục trọng nam khinh nữ vẫn còn và những cái nhìn lạc hậu như vậy mà quê tôi chưa thoát khỏi xã nghèo nhất nước và có biết bao tài năng đã bỏ dở con đường học tập của mình.

Tôi thầm cảm ơn mẹ và rất tự hào khi có được một người mẹ vĩ đại nhất vũ trụ này. Mẹ sẽ không từ bỏ ý định cho chị em tôi nghỉ học dù mẹ có vất vả như thế nào. Nhìn căn nhà dột nát và những bức tường thủng nhiều nơi, ban ngày thì nắng rọi vào, đặc biệt những lúc mưa bão tôi lấy tay mình ôm lấy mẹ lúc đó tôi biết rằng tay mình ướt sũng nước và mẹ đã lấy thân che gió mưa cho tôi ngon giấc lúc đó tôi mới thật sự hiểu câu nói “mẹ nằm bên ướt con nằm bên ráo”… Còn rất nhiều việc mà tôi có kể đến cả đời này cũng không hết những việc làm mà mẹ dành cho mình.

Ngày tôi đỗ đại học, mẹ nhảy như một đứa trẻ, và sau niềm vui ấy là những lo toan cho các khoản tiền học của tôi. Ngày tôi lãnh học bổng có lẽ là ngày tôi cảm thấy mình vừa làm một điều nhỏ nhặt nhất cho mẹ, tôi hạnh phúc khi nhìn mẹ cười.

Giờ tôi đang học ở tận Sài Gòn xa xôi, mỗi khi theo bạn xuống miền Tây, đứng trên những cánh đồng tôi hình dung mẹ lam lũ ở mãi cánh đồng xa tắp để có tiền gửi cho chị em tôi. Và hôm nay cơn mưa đêm của Sài Gòn làm tôi nhớ đến không khí đầm ấm thân thuộc của gia đình và nơi ấy có thần tượng của tôi là mẹ.

Hi sinh đời mẹ để củng cố đời chúng tôi là câu nói mẹ lấy làm động lực cho chúng tôi học tập, con sẽ cố gắng học tập để cuộc đời con không vất vả như mẹ và con muốn thực hiện ước mơ dang dở của mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét